Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!

NHẬN THỨC VÀ VẬN DỤNG BÀI HỌC TÔN TRỌNG THỰC TIỄN KHÁCH QUAN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA ĐẢNG TA

Thứ Sáu, 15/12/2023 - 10:09

NHẬN THỨC VÀ VẬN DỤNG BÀI HỌC TÔN TRỌNG THỰC TIỄN KHÁCH QUAN
TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA ĐẢNG TA

ThS. Phạm Xuân Định
Giảng
viên Khoa Lý luận cơ sở

Trong tiến trình tìm tòi, bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta đã có những đột phá và sáng tạo lý luận nổi bật, góp phần đưa nước ta đạt được những thành tựu, to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Để có được những sáng tạo lý luận ấy, Đảng ta đã có sự quán triệt vận dụng sáng tạo các nguyên tắc phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó tiêu biểu là nguyên tắc tôn trọng thực tiễn khách quan.

Đối với Việt Nam, tiếp cận và vận dụng nguyên tắc tôn trọng thực tiễn khách quan chính là sự nhận thức, đánh giá, phân tích tình hình hiện thực của đất nước trên các phương diện: thuận lợi - khó khăn, thời cơ - thách thức, thành tựu - hạn chế, đồng thời phải gắn liền với bối cảnh thời đại, tình hình thế giới để từ đó xác định hệ thống phương hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Quán triệt nguyên tắc này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã đổi mới tư duy theo hướng “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”; từ đó, không chỉ khẳng định các thành tựu đạt được, mà còn phải dũng cảm, thẳng thắn vạch ra những sai lầm, khuyết điểm. Nhờ đó, Đảng ta đã nhận thức, xác định đúng và trúng nhiều vấn đề thực tiễn nóng bỏng cần phải xử lý, những bất cập trong cung cách lãnh đạo, quản lý, khắc phục sự giáo điều, chủ quan, duy ý chí trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Nhìn vào thực tiễn trước đổi mới, sau hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), do chủ quan, duy ý chí và mong muốn xây dựng CNXH một cách nhanh chóng ở miền Bắc, Hội nghị Trung ương 13 khóa II (12-1957), đã nhấn mạnh quan điểm quá độ trực tiếp thay thế cho quan điểm quá độ dần dần, từng bước”[1]. Kết quả, một mặt chúng ta đã xóa bỏ được giai cấp bóc lột, tạo ra sự bình đẳng tương đối giữa người và người, huy động được sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng do duy trì quá lâu nên đã phát sinh những hệ quả tiêu cực. Khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng nghiêm trọng vào cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX đã đem lại cho chúng ta một bài học đắt giá: xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp lâu dài, khó khăn, phức tạp; mọi nóng vội chủ quan, duy ý chí, không xuất phát từ thực tiễn khách quan sẽ dẫn đến thất bai.

Xuất phát từ thực tiễn đất nước đang đứng trước khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp với sự khủng hoảng và trượt dốc của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, Đại hội VI (1986) với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “Chúng ta có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình cụ thể của đất nước, trong việc xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[2]; do đó, trong thực tiễn chỉ đạo đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế. Đại hội VI đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định “Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”[3]. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm khuyết điểm, đổi mới tư lý luận trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Đại hội đề ra đường lối đổi mới đất nước toàn diện; đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho một giai đoạn phát triển vượt bậc của đất nước ở những chặng đường tiếp theo.

Đại hội VII của Đảng được tiến hành trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những diễn biến phức tạp. Đó là sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, sự chống phá nhiều phía vào chủ nghĩa xã hội, vào chủ nghĩa Mác – Lênin và Đảng Cộng sản, những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch quốc tế hòng xoá bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực và sự hoang mang dao động của một bộ phận những người cộng sản trên thế giới đã tác động đến tư tưởng và tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam. Tình hình kinh tế và đời sống của nhân dân, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu đáng kể, song vẫn còn khó khăn, đất nước vẫn trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội. Xuất phát từ thực tiễn đó, với bản chất khoa học của một Đảng cách mạng chân chính, Đảng ta đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà cốt lõi chính là xác định rõ mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Cương lĩnh xác định chủ nghĩa xã hội với 6 đặc trưng cơ bản chỉ ra 7 phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng và toàn thể dân tộc kiên định, kiên trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội.  

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra”; phải ra sức Nâng cao trình độ trí tuệ chất lượng  nghiên cứu lý luận của Đảng; tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ mới[4].

Đại hội XI năm 2011, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn 25 năm thực hiện đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa với 08 đặc trưng, đồng thời xác định rõ phải giải quyết 8 mối quan hệ lớn cùng thực hiện quyết liệt 8 phương hướng cơ bản để hiện thực hóa mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cùng với 8 phương hướng, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội đã xác định khá tổng thể, toàn diện và sát hợp thực tiễn của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại; là cơ sở định hướng cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nhờ đó, tiềm năng, lợi thế của đất nước, các nguồn lực xã hội được khơi thông mạnh mẽ, phục vụ hiệu quả hơn mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến Đại hội XII, tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta chỉ rõ: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhâp quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và  ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thng chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên…; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”[5]. 

Đại hội XIII (2021), thực tiễn sinh động, phong phú, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cùng những bài học kinh nghiệm sâu sắc qua 35 năm đổi mới, với quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta đã thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước với những bước đi, lộ trình cụ thể:

Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao[6].

Như vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo bài học tôn trọng thực tiễn khách quan, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển để Đảng ta đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.[7]

 

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1957), Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (12-1957)

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.212

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.30

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.131.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TƯ Đảng, Hà Nội, 2016, tr.65-66.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) tập 1, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQG Sự thật, tr.112

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) tập 1, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQG Sự thật, tr.112.

 


Đánh giá:
EMC Đã kết nối EMC