
HÌNH PHẠT CỦA TÙ NHÂN CÔN ĐẢO GIAI ĐOẠN 1945 – 1954
NHÌN DƯỚI CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC
TS. Hồ Viết Hùng
GV. Khoa Xây dựng Đảng
Nhà tù Côn Đảo được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862 tại một hòn đảo nằm cách xa đất liền 43 hải lý[1]. Việc quyết định xây dựng nhà tù ở một hòn đảo là có chủ đích và được thực hiện như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công cuộc xâm chiếm, duy trì ách thống trị và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Âm mưu đày ải những người kháng chiến, những người yêu nước chống lại chính sách cai trị thực dân ra ngoài hải đảo để dễ dàng thực hiện những hành vi tàn nhẫn, đàn áp, giết hại tù nhân mà không ai hay biết, không chịu sức ép từ dư luận, vẫn đảm bảo cho cái vỏ bọc ngọt ngào “Công cuộc khai sáng văn minh cho các dân tộc dã man” của thực dân Pháp. Nhà tù Côn Đảo trở thành địa ngục trần gian, nơi đày ải và giết dần, giết mòn cả thể xác và tinh thần hàng ngàn người tù yêu nước “Dùng chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần giết mòn người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ, răn đe những người còn ở ngoài đời, làm cho họ khi ra tù thì tinh thần bạc nhược, khiếp sợ, thân thể tàn phế, không còn dám làm gì chống lại “mẫu quốc” và chế độ thống trị ở thuộc địa.”[2]
Chế độ ăn, mặc của tù nhân ở Nhà tù Côn Đảo
Chế độ ăn, mặc của tù nhân Côn Đảo trong suốt 113 năm (1862 – 1975) tồn tại của nhà tù này nhìn chung là một chế độ hình phạt đối với tù nhân. Giai đoạn 1945 – 1954 chế độ ăn, mặc của tù nhân Côn Đảo nhìn trên giấy tờ khá tốt, tất cả tính ra tiền vào thời điểm những năm 1951, 1952 là 5,95 đồng/ngày, cụ thể xin nêu ra đây bản tính chi phí giam giữ 1 tù binh/ngày vào năm 1952:
700 gram gạo đỏ x 3$75 = 2$63
10 gram đường x 8$80 = 0,09$
15 gram muối x 1$86 = 0.03$
20 gram cá khô x 8$30 = 1$66
50 gram đậu tương x 4$50 = 0.23$
50 gram đỗ xanh x 4$50 = 0.23$
20 gram mỡ x 17$38 = 0.35$
20 gram nước mắm x 9$24 = 0.20$
3 gram trà x 4$24 = 0.01$
20 gram xà phòng/tháng x 9$ = 0.06$
6m cotonnade bleue (vải cotton xanh)/năm = 0.20$
Chi phí ngủ = 0.05$
Tổng: 5$95/ ngày
Chế độ ăn, mặc là 5,95 đồng/ngày ghi trong quy chế là để thống nhất chung cho các tù nhân ở mọi nhà tù, tuy nhiên do điều kiện và thực tế ở mỗi nhà tù có sự khác biệt nên phần lớn những quy định ghi trong quy chế nhà tù thường không thực hiện được. Ở Nhà tù Côn Đảo chế độ ăn, mặc này chỉ được ghi trong quy chế nhà tù, tức là chỉ có trên giấy, trên thực tế việc ăn, mặc của tù nhân rất khổ cực.
Năm 1953, ở Côn Đảo có gần 3000 người[3] nhưng hàng tháng chỉ được cung cấp 50 con heo, một số heo bị chết ngay trong quá trình vận chuyển không thể dùng làm thực phẩm “50 con heo được gửi ra trong tháng là không đủ cho gần 3000 người. Một số con chết trong quá trình vận chuyển, 5 con không thể dùng làm thực phẩm được”[4]. 50 con heo, nhà tù có khoảng trên 2000kg thịt cho một tháng, số lượng này chưa đủ để cung cấp cho hơn 600 viên chức cai tù và gia đình họ có mặt trên đảo, vì thế rất ít khi trong khẩu phần ăn của tù nhân có thịt, ngoại trừ những ngày lễ, tết. Nhiều tù nhân trước khi bị lưu đày ra Côn Đảo đã bị giam giữ ở nhà tù trong đất liền thấy rõ sự khác biệt trong chính sách đối với tù nhân đã kiến nghị lên giám đốc nhà tù. Tù nhân đòi giám đốc phải giải thích việc không có thịt trong khẩu phần ăn. Trong bản Báo cáo tháng 2/1953 gửi giới hữu trách, Giám đốc Nhà tù Côn Đảo đã thừa nhận và chuyển đi ý kiến này của tù nhân “Tôi không thể giải thích được sự khác biệt về chế độ đối với tù nhân. Nhà tù Côn Đảo tù nhân phải lao động và bữa ăn rất thiếu thịt trong khi ở Khám Lớn tù nhân không đi làm nhưng thường xuyên được cung cấp thịt.” [5]
Không chỉ bữa ăn tù nhân không có thịt mà cá khô cũng vừa ít, vừa không đảm bảo chất lượng. Cá khô để cung cấp cho tù nhân Côn Đảo được Chính quyền Nam phần giao cho các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng mua của tư nhân với giá rẻ mạt, ai bỏ giá rẻ nhất thì trúng thầu cung cấp cá cho nhà nước. Năm 1951 ở tỉnh Bạc Liêu có 4 người vào đấu thầu giá bán cá cho nhà nước là Nguyễn Văn Đoàn, Lý Thị Cái, Hứa Hiệp và Trần Văn Vân, chính quyền đã chọn mua cá của ông Trần Văn Vân vì giá bỏ thầu thấp nhất (8,13 đồng/kg). Qua tìm hiểu về giá cá khô ở các tỉnh miền Tây Nam bộ vào thời điểm năm 1951 thì trung bình khoảng 13 đồng/kg, vậy là có thể hiểu được phần nào về chất lượng cá khô mà nhà nước mua của tư nhân với giá 8,13 đồng/kg. Cá khô được chuyển lên Sài Gòn để ở những kho hàng tạm bợ đợi tàu chở ra Côn Đảo, vì thế đa phần cá khi ra đến đảo đã mục nát, không thể ăn được, nhưng nhà tù vẫn nấu cho tù nhân, mặc kệ những tiếng kêu ai oán của người tù. Có thời điểm do thiếu hụt nhà tù phải cắt giảm một nửa định mức cá khô trong khẩu phần ăn của tù nhân “cá khô thiếu buộc tôi phải giảm khẩu phần xuống 100gram thay vì 200gram theo quy định”[6].
Tù nhân liên tục đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn, tuy nhiên chất lượng bữa ăn của tù nhân chẳng được thay đổi. Tháng 3/1954, Giám đốc Tài chính của Chính quyền Nam phần gửi cho tỉnh trưởng Bạc Liêu một bức điện nói về vấn đề này “Tôi báo tin cho Ông rõ, mấy lần tỉnh Bạc Liêu gửi khô lên Sài Gòn lại không gặp tàu đi Côn Đảo. Số khô đó phải bị dự trữ lại tại kho vật liệu trong một thời gian rất lâu, có khi đến gần hai tháng. Đến khi có tàu thì khô đã cũ và phần nhiều không dùng được.”[7]
Bức điện này chưa kịp được phúc đáp thì những người tù đã xuống tàu rời khỏi “địa ngục trần gian Côn Đảo”. Người tù Côn Đảo chẳng được lợi gì từ bức điện thể hiện sự “quan tâm” này của ông Giám đốc tài chính ngoài khẳng định một sự thật là chính quyền đã biết việc cá khô hư hỏng, không ăn được từ rất lâu.
Lao động cực nhọc, ăn uống kham khổ không phải chỉ là những thứ duy nhất hành hạ thân xác người tù mà sự thiếu thốn quần áo cũng là nỗi thống khổ của tù nhân. Mỗi tù nhân quanh năm chỉ có một manh chiếu, một bộ quần áo cụt tay mỏng tang không đủ để họ chống chọi với những cơn gió biển lạnh buốt trong những đêm đông. Cái lạnh thấu xương, thấu thịt người tù là một trong những nguyên nhân dẫn tới số lượng tù nhân mắc bệnh phổi, viêm phế quản và chết ở nhà lao này.
Những công văn trao đổi của giới hữu trách nhà tù là bằng chứng xác thực thừa nhận việc tù nhân ở Nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1945–1954 bị đối xử ngược đãi, tù nhân vừa phải lao động cực nhọc, vừa phải ăn uống kham khổ, tình cảnh này đúng như những gì các cựu tù nhân Côn Đảo ghi chép lại trong các hồi ký của mình.
Tù nhân Côn Đảo chịu chế độ giam cầm khắc nghiệt, chế độ ăn uống thiếu thốn, khổ cực. Hàng ngàn tù nhân mắc các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở nhà tù. Sự khác biệt trong chế độ giam cầm của tù nhân ở Nhà tù Côn Đảo và các nhà tù khác trong đất liền đã phản ánh rất rõ tính chất khắc nghiệt của nhà tù này không chỉ bị giam giữ nghiêm ngặt về thể xác, bị bóc lột sức lao động khổ sai cực nhọc, người tù còn chịu cảnh rất khổ cực về ăn uống, bệnh tật. Những yếu tố này đã góp phần làm chết hàng ngàn tù nhân ở Nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1945–1954.
Chế độ ăn, mặc khổ cực của tù nhân Côn Đảo có nguyên nhân là do điều kiện nhà tù xây dựng trên hòn đảo nằm cách xa đất liền, điều kiện vận chuyển lương thực, thực phẩm gặp khó khăn rất lớn và cũng có nguyên nhân là giới chức cai tù muốn trừng phạt những người tù nguy hiểm, cứng đầu bị giam giữ ở đây.
Tài liệu tham khảo
[1] Cửa biển Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là điểm đất liền tiếp giáp với Côn Đảo gần nhất.
[2] Nguyễn Đình Thống, Nguyễn Linh & Hồ Sĩ Hành, Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862 - 1975 (2012), Nxb. Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, tr 32.
[3] Hơn 2000 tù nhân và hơn 500 giám thị, viên chức, vợ con giám thị.
[4] Direction des Iles et du penitencier de Poulo – Condore (1953). Rapport Mensuel du Mois de Janvier 1953. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phông Tòa Đại biểu Chính quyền Nam phần, Hồ sơ số d30/11.
[5] Direction des Iles et du penitencier de Poulo – Condore (1953). Rapport Mensuel du Mois de Fevrier 1953. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phông Tòa Đại biểu Chính quyền Nam phần, Hồ sơ số P22/E03/156.
[6] Direction des Iles et du penitencier de Poulo – Condore (1953). Rapport Mensuel du Mois de Janvier 1953. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phông Tòa Đại biểu Chính quyền Nam phần, Hồ sơ số d30/11.
[7] Giám đốc tài chính gửi tỉnh trưởng Bạc Liêu (1954). Về việc “Mua khô cho Côn Đảo”. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phông Phủ Thủ hiến Nam Việt, Hồ sơ số G84 – 114.